Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2020

Thủ tướng đồng ý tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT 2020 trong 1,5 ngày

Thủ tướng đồng ý tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT 2020 trong 1,5 ngày


Chiều ngày 22/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GD&ĐT đề xuất.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 22/4, đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 (thay vì Kỳ thi THPT Quốc gia như mọi năm), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao sự chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng phương án thi THPT phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.
Trong đó tập trung vào một số việc: Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì thi nấy, nhưng phải nâng cao chất lượng, thi trong 1,5 ngày.
“Kỳ thi này do chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh. Cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an. Cần tăn cường sử dụng công nghệ để đảm bảo tính trung thực của kỳ thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế cụ thể để áp dụng toàn quốc chặt chẽ, nề nếp, an toàn, trong đó có việc Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức thanh tra, giám sát kỳ thi tại các địa phương, chứ không thể buông lỏng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
 Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý việc đảm bảo phòng, chống dịch trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành Giáo dục, các địa phương thời gian qua đã quán triệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Thủ tướng, ở một đất nước mà hơn 25 triệu học sinh, sinh viên phải ở nhà thì rất nhiều bức bối nhưng từng gia đình, từng cơ sở giáo dục và ngành Giáo dục đều đã chia sẻ, trong đó có không ít cơ sở giáo dục đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
 Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục tổ chức cho học sinh đi học trở lại an toàn, chu đáo, trong đó cần phát huy học qua mạng và truyền hình đã rất thành công thời gian qua. “Vì thời gian học còn lại của học kỳ II ít nên nội dung học phải được ngành Giáo dục tính toán có trọng tâm trọng điểm” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng đồng ý tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 trong 1,5 ngày - 2
 
Nhấn để phóng to ảnh
Theo phương án thi của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 dự kiến sẽ gồm 03 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 02 bài thi tổng hợp KHTN và bài thi tổng hợp KHXH.
Trong đó, Bài thi KHTN gồm tổ hợp của 03 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; Bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 03 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 02 môn Lịch sử, Địa lí.
Thí sinh THPT phải thi 03 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Thí sinh GDTX phải thi 02 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 01 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN).
Kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GDĐT cung cấp.
Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 01 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Tổ chức kỳ thi trong 1,5 ngày với 03 buổi thi.
Kỳ thi sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là UBND tỉnh) chủ trì tổ chức.
Bộ GDĐT chỉ đạo, UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi của địa phương mình bảo đảm an toàn, nghiêm túc, công bằng và đúng quy chế.
Các tỉnh sẽ thành lập Hội đồng thi để tổ chức thi cho tất cả thí sinh. Hội đồng thi của tỉnh sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất cả các khâu của kỳ thi như: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Nguồn tin: dantri.com.vn

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2020

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2020

Dạy trực tuyến- giáo viên cần sự cảm thông, sẻ chia hơn là sự chê bai, quở trách

Dạy trực tuyến- giáo viên cần sự cảm thông, sẻ chia hơn là sự chê bai, quở trách

Việc các thầy cô ở các cấp học trên cả nước đang tiến hành dạy trực tuyến cho học trò của mình trong suốt thời gian qua đang nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Có người khen nhưng cũng có rất nhiều ý kiến chê trách giáo viên trong quá trình thực hiện các bài giảng online.
Nhưng, có một thực tế là việc dạy trực tuyến không hề đơn giản đối với nhiều thầy cô giáo hiện nay. Bởi, nếu không phải là giáo viên công nghệ thông tin thì việc hoàn thiện được một tiết dạy trực tuyến cho học trò đòi hỏi giáo viên phải đầu tư rất nhiều công sức từ ý tưởng đến cách truyền tải kiến thức và có được hình ảnh, âm thanh chấp nhận được.
Việc dạy trực tuyến hiện nay chủ yếu là do giáo viên tự mày mò, học hỏi để thực hiện. (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn)
Giáo viên có đơn độc trong việc dạy trực tuyến?
Tình hình dịch bệnh năm nay đến một cách bất ngờ và đã khiến cho mọi người, mọi ngành trở tay không kịp. Chính vì thế, giai đoạn đầu học sinh nghỉ học thì ngành giáo dục gần như bất động, không thể dạy cho học trò.
Thầy cô giáo được phân công lên trường làm vệ sinh, khử trùng trường lớp để đón học sinh trở lại trường. Thế nhưng, mọi thứ đã đảo lộn hết, các địa phương liên tục phải thay đổi kế hoạch cho học sinh nghỉ học hết đợt này đến đợt khác và bây giờ đã hơn 3 tháng rồi (kể cả nghỉ Tết).
Khi học sinh nghỉ học quá lâu, Sở Giáo dục chủ trương triển khai tập huấn cho một số giáo viên cốt cán trong trường và những giáo viên dạy cuối cấp khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để đưa được bài ôn tập học kỳ I lên trang trực tuyến của nhà trường.
Các Sở cũng bắt đầu có kế hoạch ôn tập trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đối với các môn dự kiến sẽ thi ở kỳ thi tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia.
Mãi mấy tuần gần đây, khi mà tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh tiếp tục phải nghỉ học thì ngành giáo dục mới triển khai dạy bài mới của học kỳ II cho học trò nhưng cũng chỉ tập trung cho một số môn chính mà thôi.
Như vậy, hiện nay chúng ta thấy có 2 hình thức dạy bài mới, đó là dạy qua truyền hình do Sở chủ trì và dạy trực tuyến do giáo viên ở các nhà trường đang “tự biên tự diễn”.
Để xây dựng được các tiết ôn, dạy trên truyền hình thì luôn có một ê kíp xây dựng rất hoành tráng, đó là 1 chuyên viên đang là Trưởng Hội đồng bộ môn của Sở Giáo dục và một số thành viên Hội đồng bộ môn cấp huyện (cấp trung học cơ sở) hoặc một số tổ trưởng “cứng” ở các trường (cấp trung học phổ thông) tham gia lên ý tưởng và thiết kế bài giảng.
Họ lên phương án xây dựng bài dạy, xây dựng từng hoạt động và lựa chọn 1 giáo viên tiêu biểu trong tỉnh đứng giảng. Như vậy, để có 1 tiết dạy trên truyền hình ít nhất có 3 thầy (cô) xây dựng bài và 1 thầy (cô) đứng giảng.
Và, tất nhiên để có những tiết học đến với học trò qua truyền hình thì ngoài những thầy cô lo xây dựng, truyền tải nội dung bài học luôn có sự hỗ trợ đắc lực của các nhà quay phim, đạo diễn hình ảnh, âm thanh kỳ cựu của các đài truyền hình hỗ trợ, thực hiện việc ghi hình.
Ở chiều ngược lại thì các giáo viên dạy trực tuyến phần lớn là tự học hỏi lẫn nhau từ các phần mềm mà đồng nghiệp chia sẻ trên mạng xã hội. Bởi, thực tế đến thời điểm này thì gần như ngành giáo dục chưa hề tập huấn hay giới thiệu một phần mềm cụ thể cho giáo viên ở cơ sở về cách soạn giảng, ghi hình để giáo viên thuận tiện cho việc dạy trực tuyến của mình.
Cũng may, nhiều đồng nghiệp trên cả nước đã chia sẻ các kinh nghiệm qua các lip, hướng dẫn cụ thể để các thầy cô giáo trên cả nước học hỏi, bắt chước để làm theo.
Sở, Phòng và Ban giám hiệu nhà trường thì chỉ hướng dẫn văn bản là bắt buộc triển khai dạy bài mới cho học trò nhưng triển khai như thế nào thì gần như lãnh đạo…không nói và cũng chẳng trang bị gì cho giáo viên cả.
Vậy là giáo viên tự mày mò làm, cũng tự  mình vừa giảng, vừa quay phim, mua sắm thêm các phương tiện cần thiết để quay video nhằm dạy cho học trò. Hoặc không quay video thì soạn các file Powerpoint rồi lồng tiếng vào để đưa lên trang trực tuyến của nhà trường.
Những giáo viên trẻ thì việc áp dụng công nghệ thông tin trong dạy trực tuyến có phần nhanh nhạy hơn. Những thầy cô lớn tuổi hơn một chút thì vất vả mới có thể thực hiện được, đôi lúc phải nhờ một số thành viên trong gia đình hỗ trợ về máy móc có mới thể hoàn thiện được bài giảng theo quy định của nhà trường.
Giáo viên dạy trực tuyến cần được cảm thông hơn là trách móc
Thực tế, Bộ, Sở, Ban giám hiệu nhà trường triển khai dạy trực tuyến cũng bị động và lúng túng vì có lẽ họ cũng chẳng biết bắt đầu từ đâu nên chủ yếu là động viên, khuyến khích giáo viên tự mày mò và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Bởi, từ trước đến nay gần như việc dạy trực tuyến đối với các trường phổ thông là chưa thực hiện ở các trường công lập. Trong đào tạo sư phạm trước đây cũng không có đào tạo các chuyên ngành này.
Giáo viên lâu nay dù có sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nhưng chủ yếu là soạn giáo án rồi in ra hoặc chỉ ứng dụng một số hình ảnh, clip vào bài giảng của mình để bài học được thuyết phục và sinh động hơn cho học trò.
Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng việc dạy trực tuyến là tình huống bất khả kháng trong bối cảnh hiện nay. Dù có lý tưởng hóa như thế nào đi chăng nữa thì việc dạy trực tuyến cũng chỉ hướng tới mục đích giúp cho học trò học đến đâu thì hay đến đó chứ tính hiệu quả chưa phải là mục đích cao nhất trong lúc này.
Cứ tạm thời xem đây là cách “làm nháp” cho sau này vậy bởi đây là một cách dạy hoàn toàn mới mẻ, giáo viên tự mày mò, học tập và đơn thân độc mã thực hiện lần đầu nên nhiều bài giảng còn thiếu sót, chưa hoàn thiện cũng là điều dễ hiểu.
Những thầy cô dạy trực tuyến hay, dạy tốt, thuần thục là rất đáng biểu dương. Những thầy cô làm chưa hay, còn vấp váp trong quá trình thực hiện thì đó cũng đã là sự nỗ lực hết mình của giáo viên rồi. Có lẽ, trong lúc dịch bệnh như thế này, chúng ta cần chung tay chia sẻ khó khăn, đồng cảm với nhau để vượt qua khó khăn là điều quan trọng hơn tất cả.
Thầy cô cứ nỗ lực hết mình để có thể trang bị những gì tốt nhất mà mình có đến với học trò. Chỉ như vậy cũng đã là điều đáng trân quý lắm rồi...
KIM OANH
( giaoduc.net.vn)
Hà Nội yêu cầu không được công bố địa chỉ, mật khẩu lớp học trực tuyến

Hà Nội yêu cầu không được công bố địa chỉ, mật khẩu lớp học trực tuyến

Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình học tập qua mạng internet, ngày 20/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có văn bản gửi các phòng giáo dục và đào tạo, các trường trực thuộc yêu cầu giới thiệu, phổ biến cho giáo viên những giải pháp, phần mềm quản lý, tổ chức dạy học qua internet tin cậy, đồng thời, tăng cường tập huấn cho giáo viên về kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội an toàn.

Các đơn vị cần lưu ý tổ chức tập huấn cho giáo viên về kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ, các tình huống có thể xảy ra trong quá trình tổ chức dạy học qua mạng internet. 
Hà Nội yêu cầu không được công bố địa chỉ, mật khẩu lớp học trực tuyến (Ảnh minh họa: Báo Nhân dân)
Bên cạnh đó, các đơn vị có trách nhiệm xây dựng và thực hiện quy chế quản lý, tổ chức dạy học qua internet, trong đó, hướng dẫn rõ quy trình quản lý, tổ chức một lớp học trực tuyến;
Các kỹ năng quản lý điều hành lớp học trực tuyến đối với giáo viên; trách nhiệm của người học khi tham gia lớp học trực tuyến, nhất là các hành vi không được làm: không được công bố công khai địa chỉ, mật khẩu lớp học, dùng các hệ thống dạy học trực tuyến có thể theo dõi được quá trình học tập, kiểm tra đánh giá học sinh… 
Học thời Covid-19: Mạnh ai nấy chạy!
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khuyến khích các đơn vị sử dụng phần mềm có bản quyền, những phần mềm do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu sử dụng miễn phí.

Ngoài ra, các đơn vị phải tăng cường các biện pháp phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, tổ chức dạy học qua internet, đề nghị phụ huynh nâng cao trách nhiệm, dành thời gian quan tâm, hỗ trợ và có biện pháp quản lý học sinh trong quá trình học trực tuyến. 
Thời gian qua, trước tình hình học sinh phải nghỉ học do phòng, chống dịch Covid-19, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến Hà Nội Study, đồng thời phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó đã có một số sự cố xảy ra, dẫn đến yêu cầu cần phải có ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên trong quá trình học tập qua internet.
Linh Anh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin mới nhất về việc đi học lại của học sinh

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin mới nhất về việc đi học lại của học sinh



Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin mới nhất về việc đi học lại của học sinh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên khi cho học sinh quay trở lại trường học phải đặt lên hàng đầu.


Ngày 20/4, Cà Mau và Thái Bình là hai tỉnh đầu tiên quyết định cho học sinh trở lại trường, sau thời gian dài tạm nghỉ vì dịch COVID-19. Ngoài ra nhiều tỉnh, thành thuộc nhóm có nguy cơ thấp cũng lên kế hoạch, đề xuất thời gian cho học sinh trở lại trường vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2020.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Các địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần xem xét, cân nhắc thời điểm cho học sinh đi học lại. Nhóm địa phương nguy cơ thấp có thể xem xét, đề xuất UBND tỉnh cho học sinh đi học trở lại. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên phải đặt lên hàng đầu.
"Học sinh đi học phải an toàn, trường học có an toàn mới cho học sinh đi học. Các địa phương có thể tính toán để học sinh lớp 9, lớp 12 đi học trước, các lớp khác học sau, cũng không nhất thiết phải xếp lịch học cả tuần mà có thể xếp học 3 buổi/tuần, đan xen thực hiện dạy học trực tiếp và trực tuyến. Ở mỗi lớp học cũng có thể tách đôi số lượng học sinh để bố trí giảng dạy; kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến…", Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu các trường cần thực hiện nghiêm văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về việc đảm bảo các điều kiện cho học sinh trước, trong và sau khi đi học trở lại. Trước khi học sinh quay trở lại trường, phải tổ chức vệ sinh ngoại cảnh; tổ chức khử khuẩn trường học một lần bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Các trường bố trí, đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch, nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học; tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.
Đồng thời Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường hướng dẫn giáo viên thực hiện và phối hợp với gia đình học sinh hướng dẫn học sinh thực hành hằng ngày các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay thường xuyên, đúng lúc, đúng cách; không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khuôn viên nhà trường (bao gồm giáo viên, nhân viên, học sinh); có biện pháp phù hợp để không cho người có biểu hiện sức khỏe không bình thường vào trường. Bên cạnh đó, các trường không tổ chức hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm; tổ chức chào cờ tại lớp học.
Cụ thể sáng 20/4, Cà Mau đã cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đã bắt đầu đi học trở lại. Trước đó vào 2 ngày cuối tuần, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho phun, xịt tiêu độc, khử trùng đồng thời triển khai các công việc cần thiết để đón học trò trở lại. Sở GD-ĐT Cà Mau chỉ đạo căn cứ vào tình hình thực tế của các trường, lớp học và giáo viên để có biện pháp chia nhỏ sĩ số lớp, tăng cường giáo viên giảng dạy, có biện pháp giãn cách xã hội đối với phụ huynh khi đưa rước học sinh...
Bên cạnh đó, hàng loạt biện pháp cũng được các nhà trường áp dụng khi học sinh quay trở lại như yêu cầu đeo khẩu trang trước và sau khi bước vào trường; khi vào cổng phải rửa tay diệt khuẩn; không gian ngồi đảm bảo giãn cách 2 mét theo quy định an toàn của Bộ Y tế; không tụ tập nơi đông người trong giờ giải lao...
Tại Thái Bình, học sinh từ lớp 9 trở lên cũng đã quay trở lại trường học. UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp cho tất cả học sinh chỉ học 1 buổi/ngày trong đó yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội đối với lịch học của THPT khi học sinh khối 12 và khối 11 buổi sáng, khối 11 buổi chiều. Đối với học sinh lớp 9 cũng chỉ học 1 buổi vào buổi chiều, không tổ chức dạy học buổi 2, dạy thêm, học thêm.
Các trường học cũng yêu cầu học sinh nghiêm túc đeo khẩu trang 100% trước khi đến trường và trong giờ học; tiến hành đo thân nhiệt; trang bị thiết bị sát trùng như nước rửa tay, xà phòng ở những nơi thuận tiện; hạn chế tụ tập nơi đông người... Trước mắt, tỉnh Thái Bình sẽ kết hợp dạy trên lớp và dạy trực tuyến ở nhà để đảm bảo học sinh nào cũng được học tập.

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2020

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2020

KỈ NIỆM 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10/19

KỈ NIỆM 88 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20/10/19




      Chiều ngày 19/ 10 tại trường Tiểu học Phan Đình Giót , Công đoàn  và nhà trường đã tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu  Kỷ niệm 88 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2018).
        Theo Chủ tịch Công đoàn trường Trần Thị Hồng Nhân: “ Những năm gần đây, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên, nhân viên (CBGVNV) trong nhà trường  đã luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động. Các nữ CBGVNV đã có ý thức chủ động khắc phục khó khăn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, khẳng định mình trong công tác. Đồng thời nêu cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng nhằm chuẩn hoá đội ngũ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện mục tiêu xây dựng nữ nhà giáo theo chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam”.


       Tại buổi giao lưu, đồng chị Nguyễn Thị Kim Ngọc - Bí Thư Chi Bộ- Hiệu trưởng nhà trường  rất xúc động nhận lãng hoa tươi thắm đến từ đồng chí Tuấn Anh – Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật Biên Phòng. Đồng chí Kim Ngọc cũng tặng quà lưu niệm đến các nữ cán bộ Biên Phòng đến giao lưu.










  Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi giao lưu kỉ niệm


Các cô giáo giao lưu với nghệ sĩ đoàn Nghệ thuật Biên phòng


Cô giáo Tuệ Anh  và cô giáo Thanh Dung góp vui với tiết mục “ Cô tấm ngày nay “


Cô giáo Thanh Dung hát giao lưu với đồng chí Biên phòng


Cô giáo Dương Huyền Nga biểu diễn bài  hát “ Huyền thoại mẹ”



Đồng chí Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường tặng quà lưu niệm đến các nữ cán bộ giáo viên tổ 5 & Văn Thể Mỹ


Đồng chí Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường tặng quà lưu niệm đến các nữ cán bộ giáo viên tổ 3 & 4


 Đồng chí Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường tặng quà lưu niệm đến các nữ cán bộ giáo viên tổ 1 & 2
                                                
                  

Không khí buổi giao lưu rất vui và sôi nổi
                  
                                                                                               Tác giả : Đào Tuệ Anh